Những nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng trẻ em:
- Nguyên nhân trực tiếp là do chế độ dinh dưỡng của trẻ không đủ về số lượng và chất lượng, trẻ không được bú sữa mẹ đầy đủ, không được ăn bổ sung hợp lý (có thể ăn bổ sung quá sớm hoặc quá muộn, thức ăn bổ sung quá nghèo nàn về dinh dưỡng). hay trẻ bị các bệnh nhiễm trùng, tiêu chảy cấp làm giảm hấp thu chất dinh dưỡng của trẻ.
- Nguyên nhân gián tiếp là do điều kiện kinh tế gia đình nghèo đói, môi trường ô nhiễm, dịch vụ chăm sóc y tế chưa tốt, thiên tai xảy ra thường xuyên…hay do thiếu kiến thức nuôi con, cai sữa sớm cho bé, hoặc trẻ bị đẻ non…
Tác hại của suy dinh dưỡng:
- Trẻ bị suy dinh dưỡng dẫn đến tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.
- Nguy cơ mắc các bệnh như nhiễm trùng cấp tính, tiêu chảy cấp hay viêm đường hô hấp cao.
- Suy dinh dưỡng làm cho cơ quan trong cơ thể kém phát triển như hệ cơ, xương, miễn dịch, thiểu năng trí tuệ do thiếu các chất: sắt, Iot, DHA, Taurin. . .
- Giảm trí thông mình, năng động, thể lực suy yếu, thấp bé, và ảnh hưởng đến nguồn nhân lực trong tương lai nếu như bệnh suy dinh dưỡng không được cải thiện qua nhiều thế hệ.
Các biểu hiện của suy dinh dưỡng:
- Giai đoạn sớm: Biểu hiện đứng cân kéo dài hoặc sụt cân.
- Giai đoạn toàn phát: Trẻ mệt mỏi, không hoạt bát, chán ăn hay quấy khóc, ít ngủ, mắc các bệnh nhiễm trùng, chậm biết đi, chậm biết bò, chậm mọc răng…
Các thể lâm sàng của suy dinh dưỡng:
- Thể phù: Trẻ chỉ được nuôi bằng chất bột, thiếu tất cả các chất dinh dưỡng khác, biểu hiện là phù trắng, mềm toàn thân, rối loạn sắc tố da, thiếu máu, còi xương, thiếu vitamin D, hạ can xi huyết, thiếu vitamin A, chậm phát triển tâm thần, vận động…
- Thể teo đét: Trẻ thiếu dinh dưỡng toàn bộ, vẻ ngoài giống như ông già, các bắp thịt bị teo đét.
- Thể hỗn hợp: Thể phù sau khi điều trị phục hồi một phần, hết phù trở thành teo đét, gan bị thoái hóa mỡ …
Biện pháp phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ nhỏ:
- Cần cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm cho trẻ, đảm bảo giá trị dinh dưỡng trong khẩu phần ăn.
- Cho trẻ bú mẹ ngay sau sinh và kéo dài 18-24 tháng tuổi. Sữa mẹ sẽ giúp trẻ cung cấp chất dinh dưỡng đầy đủ và còn cung cấp kháng thể chống lại bệnh tật, bảo vệ trẻ không mắc các bệnh nhiễm trùng.
- Chăm sóc trẻ bằng bữa ăn hợp lý: tập cho trẻ ăn dặm từ 4-6 tháng tuổi, cho trẻ ăn đủ bốn nhóm chất dinh dưỡng (Gluxic, Lypid, Protein, Vitamin).
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: chọn thực phẩm tươi, hạn chế cho trẻ dùng thực phẩm chế biến sẵn, đồ hộp, đảm bảo ăn chín uống sôi.
- Phòng ngừa và điều trị triệt để các bệnh nhiễm trùng, chăm sóc đảm bảo đủ chất dinh dưỡng trong thời gian trẻ bị bệnh và phục hồi dinh dưỡng sau thời gian bị bệnh.
- Định kỳ sáu tháng tẩy giun một lần cho trẻ trên 2 tuổi.