Để phát triển ngôn ngữ cho trẻ, tại trường mầm non cô giáo luôn dạy các con phát âm chuẩn, chính xác đúng Tiếng Việt. Thông qua hoạt động học tập như: Làm quen với văn học, nhận biết tập nói… và dạy các con ở mọi lúc mọi nơi qua các hoạt động hàng ngày, từ đó trẻ khám phá hiểu biết về mọi sự vật hiện tượng, về thế giới xung quanh trẻ, phát triển tư duy. Muốn cho ngôn ngữ của trẻ phát triển thuận lợi, một trong những điều kiện quan trọng là trẻ được tích luỹ nhiều vốn từ và trên cơ sở hiểu biết đầy đủ ý nghĩa của những từ đó, trẻ biết cách sử dụng “số vốn” đó một cách thành thạo. Để phát triển ngôn ngữ cho trẻ cần phân chia theo đúng độ tuổi quy định, đồ dùng cho trẻ sử dụng luôn phong phú về hình ảnh, màu sắc hấp dẫn.
Tư duy của trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ là tư duy trực quan, khả năng tri giác về các sự vật hiện tượng bắt đầu được hoàn thiện, trẻ hay bắt chước những cử chỉ, và lời nói của người khác. Do vậy ngôn ngữ của cô giáo phải rõ ràng và chính xác và ngay cả người lớn trong nhà cũng là tấm gương để trẻ noi theo.
Trong thực tế sự chênh lệch về vốn từ của trẻ ở cùng một độ tuổi trong lớp là khá lớn. Qua đó vốn từ của trẻ không phụ thuộc vào điều kiện vật chất, kinh tế của gia đình mà trước hết liên quan rất nhiều đến thời gian người thân trò chuyện với trẻ như thế nào? Bố mẹ có lắng nghe bé kể chuyện về các hoạt động của trẻ ở trường hay những thắc mắc của trẻ về cuộc sống xung quanh? Có thường xuyên kể chuyện cho bé nghe và hướng dẫn bé kể lại không? Ngày nghỉ có đưa bé đi chơi công viên hay đi thăm họ hàng hay không? Tất cả những điều đó không chỉ làm tăng số lượng vốn từ của trẻ, sự hiểu biết nghĩa của từ, cách dùng từ của trẻ mà còn làm phong phú hiểu biết về thế giới xung quanh và bồi dưỡng xúc cảm cho trẻ.
Thông thường có thể giúp trẻ phát triển ngôn ngữ nói thông qua các hoạt động như: Giờ đón-trả trẻ ( cô thường tích cực trò chuyện cùng trẻ và yêu cầu trẻ trả lời các câu hỏi của cô rõ ràng, ví dụ: Hôm nay ai đưa con đi học? Gia đình mình gồm những ai?Cuối tuần mình được bố mẹ cho đi đâu?… Cô đọc thơ và kể những câu chuyện dễ nghe cho trẻ, khuyến khích trẻ phát âm và yêu cầu trẻ trả lời một số câu hỏi đơn giản như: Con vừa nghe câu chuyện gì? Trong truyện có nhân vật nào?… Hàng ngày trao đổi cùng bố mẹ của bé về việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Để phối hợp cùng cô giáo trong việc phát triển vốn từ cho trẻ thì bố mẹ hàng ngày dành thời gian thường xuyên trò chuyện cùng trẻ, cho trẻ được tiếp xúc nhiều hơn với các sự vật hiện tượng xung quanh, lắng nghe và trả lời các câu hỏi của trẻ.
Bên cạnh đó còn thông qua giờ học, đối với các giờ học, cô sử dụng đồ dùng trực quan, hệ thống câu hỏi rõ ràng, ngắn gọn. Trong khi trẻ trả lời cô hướng dẫn trẻ nói đúng từ, đủ câu, không nói cụt lủn hoặc cộc lốc.
Mặt khác khi trẻ vui chơi cũng góp phần quan trọng trong việc phát triển ngôn ngữ nói, cô tổ chức cho trẻ chơi nhiều trò chơi khác nhau, sử dụng những loại câu đơn giản (ví dụ: trò chơi bắt chước tiếng kêu của con vật, trò chơi đoán đặc điểm của con vật…). Khi cho trẻ đi dạo, việc phát triển vốn từ của trẻ cũng được chú ý, trẻ được quan sát, trò chuyện về sự vật, hiện tượng trong thiên nhiên xung quanh trường của mình, trò chuyện về các con vật cây cối trong sân trường, hỏi trẻ: Con nhìn thấy gì? con nhìn thấy con chim đang làm gì? con chim đang ăn gì đấy?...Cô luôn sửa sai câu nói của trẻ ở mọi lúc, mọi nơi để giúp trẻ phát triển ngôn ngữ mạch lạc.
Việc tạo không khí vui tươi, thoải mái cho trẻ là vô cùng cần thiết, động viên trẻ đi học đều, tạo điều kiện quan tâm đến những trẻ nhút nhát, dành thời gian gần gũi, trò chuyện với trẻ để trẻ mạnh dạn, tự tin tham gia các hoạt động tập thể giúp trẻ được giao tiếp nhiều hơn. Sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường là điều cần thiết để phát triển ngôn ngữ cho trẻ.
Bác Hồ đã dạy: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc, chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó.”. Việc rèn luỵên và phát triển ngôn ngữ nói cho trẻ - viên gạch đầu tiên của nền móng giáo dục mầm non là cả một quá trình liên tục và có hệ thống đòi hỏi phải kiên trì, cô giáo, bố mẹ là người gương mẫu để trẻ noi theo.